Điện thoại, viber, zalo

0988 079 038

slide 1 slide 2 slide 3 slide 4 slide 5 slide 6 slide 7
nhận tư vấn cai rượu/ma tuý từ xa
Sợ giao tiếp và chứng ám ảnh sợ xã hội

Ám ảnh sợ xã hội là một dạng bệnh tâm lý, còn có tên gọi là rối loạn lo âu xã hội (SAD). Những người mắc bệnh này thường khá sợ hãi khi đứng trước những tình huống xã hội hoặc khi tham gia những hoạt động đông người. Họ xấu hổ, sợ bị sỉ nhục, sợ những đánh giá tiêu cực mà người khác dành cho mình. Dù người bệnh chỉ sợ hãi một loại tình huống hay nhiều tình huống khác nhau thì chứng bệnh này vẫn có những tác động nhất định đến đời sống hàng ngày.       Những người mắc chứng SAD khi ở cạnh gia đình hoặc bạn bè họ có thể thẳng thắn bộc bạch nỗi lòng hay tự nhiên cười nói, tuy nhiên khi phải nói chuyện với người lạ mặt, trong một tình huống xa lạ họ sẽ trở nên bối rối, ngại ngùng,...

Chứng ám ảnh sợ xã hội là chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất, so với các hội chứng lo âu khác, người mắc SAD cảm thấy khó khăn trong việc chung sống, kết hôn với người khác hơn, tỷ lệ người bệnh bị đuổi việc, lạm dụng thuốc và rượu bia cũng cao hơn, từ đó dẫn đến nguy cơ trầm uất và tự sát cao hơn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta thường cho đó là sự xấu hổ và bỏ qua những ảnh hưởng bất lợi mà nó mang đến. Thời điểm phát bệnh thông thường là thời kỳ thanh thiếu niên, lúc đó phần lớn người bệnh đều không tìm kiếm sự trợ giúp, họ không nghĩ rằng mình mắc chứng bệnh sợ xã hội. Trọng tâm của ám ảnh sợ xã hội nằm ở cảm giác lo sợ người khác đánh giá tiêu cực về mình, để ý đến bản thân một cách thái quá, tự cho những suy nghĩ tiêu cực của mình là sự thực ngay cả khi thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Với lối suy nghĩ này, càng ngày người bệnh càng lo lắng hơn, càng khó thoát khỏi chứng bệnh. Cần phát hiện sớm ám ảnh sợ xã hội và tích cực tìm kiếm sự giúp đỡ, như vậy mới mong giảm thiểu được tác động của chứng bệnh đến cuộc sống.

Nếu người bệnh có dấu hiệu sợ hãi các tình huống xã hội thì nỗi sợ này sẽ được biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau, cụ thể:

- Có xu hướng né tránh các địa điểm hoặc những tình huống khiến họ sợ hãi.

- Thường né tránh việc giao tiếp thông qua ánh mắt.

- Bị đỏ mặt, cảm thấy bồn chồn, buồn nôn hoặc bị đau bụng bất thình lình.

- Luôn sợ bị mọi người đánh giá.

- Tim đập nhanh hơn.

- Hai tay luôn trong trạng thái bấu chặt vào nhau.

- Cảm giác hụt hơi.

- Vã mồ hôi.

Ngoài sự sợ hãi khi đứng trước mặt mọi người thì hội chứng này cũng khiến cho người bệnh nhận ra được nỗi ám ảnh và lo lắng của họ. Người mắc chứng sợ xã hội cho rằng lo lắng về các tình huống xã giao có thể giúp họ đề phòng các sự cố ngoài ý muốn, khiến bản thân giao tiếp thuận lợi hơn, song lo lắng quá độ cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc giao tiếp đó. Lo âu sẽ thúc đẩy những hành động an toàn, đối với người mắc chứng sợ xã hội, họ cho rằng những hành động an toàn này có thể che giấu sự lo lắng của mình, khiến bản thân thể hiện tốt hơn. Tuy vậy, thực tế trái ngược mong muốn của họ. Ví dụ, một số người mắc chứng sợ xã hội có thói quen nói thật nhanh khi trò chuyện cùng người khác, để đối phương không nghe thấy sự run rẩy trong giọng nói của họ, song cách nói chuyện này thường mang đến các vấn đề khác, làm đối phương cảm thấy họ nói chuyện không tinh tế, cứng nhắc và nhàm chán. Ngoài ra một số người còn chọn cách uống rượu để lấy thêm dũng khí trước khi giao tiếp, kết quả lại thành uống say, hỏng việc và rơi vào nguy cơ nghiện rượu.

Một số phương pháp điều trị hội chứng ám ảnh sợ xã hội

- Nhận thức hành vi: Những người bị mắc hội chứng ám ảnh sợ xã hội có thể được điều trị bằng liệu pháp hành vi (Behavioral therapy). Phương pháp sẽ tập trung chủ yếu vào các hành vi của người bệnh. Thời gian đầu, người bệnh bắt buộc phải tham gia vào các tình huống mà họ hay tránh né hàng ngày. Những tình huống này sẽ được lặp đi lặp lại cho đến khi người bệnh bớt dần sự lo lắng và khắc phục được nỗi sợ hãi. 

Một liệu pháp khá phổ biến của hình thức hành vi chính là tạo nên các cảm xúc có hệ thống (systematic sensitization). Quá trình điều trị theo phương thức này sẽ được tiến hành từng bước. Người bệnh sẽ biết cách giảm dần những nỗi sợ. Liệu pháp này hướng đến mục đích chính là tìm cách để kết hợp giữa nỗi sợ và cách thư giãn tinh thần người bệnh. 

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp hành vi - nhận thức tùy trường hợp. Liệu pháp sẽ tập trung xây dựng cách suy nghĩ của người bệnh, làm thay đổi suy nghĩ để họ dần thay đổi hành vi của mình. 

- Liệu pháp tiếp xúc: Một trong những cách thức điều trị giúp người bệnh đối mặt trực tiếp với những tác nhân khiến nỗi sợ xuất hiện. Liệu pháp này sẽ bắt buộc người bệnh phải tiếp xúc với xã hội bên ngoài thay vì chọn cách trốn tránh như bình thường. 

- Trị liệu theo nhóm: Việc tham gia trị liệu nhóm chung với những bệnh nhân có chung nỗi sợ, nỗi ám ảnh sẽ giúp bạn không cảm thấy mình bị cô đơn. Một nhóm trị liệu chung sẽ giúp bạn cảm thấy mình được đồng cảm và cùng nhau vượt qua nỗi sợ này một cách hiệu quả nhất. 

Ngoài những liệu pháp điều trị ở trên, trong đời sống hàng ngày, bạn cũng cần phải lưu ý đến những vấn đề sau đây:

- Hạn chế caffeine: Những loại thực phẩm có chất kích thích ví dụ như cà phê, chocolate hay nước soda có thể khiến cho nỗi lo tăng thêm.

- Ngủ nhiều hơn: Bạn cần đảm bảo giấc ngủ của mình kéo dài ít nhất là 8 giờ đồng hồ cho mỗi đêm. Việc ngủ đủ sẽ giúp tinh thần của bạn được thoải mái và giảm bớt được sự lo lắng. 

Chứng ám ảnh sợ xã hội có thể tác động tiêu cực nhiều mặt, khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Nếu không điều trị sớm chứng ám ảnh sợ xã hội có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu hoặc ma túy. Một số trường hợp cảm giác cô đơn, buồn chán và có ý nghĩ tự sát. Những phương pháp trị liệu phù hợp của các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hòa nhập với xã hội.

Trực tiếp tư vấn các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần và điều trị nghiện rượunghiện heroin, nghiện game, nghiện cờ bạc, trầm cảm, lo âu, loạn thần do sử dụng rượu, cần sa, cỏ Mỹ, ma túy đá (nghiện đá, ngáo đá), thuốc lắc, ketamin. Tiến sĩ, Bác sĩ Trần thị Hồng Thu – Điện thoại, Zalo, Viber 0988 079 038.